Quân sự Nhà_Lý

Bài chi tiết: Quân sự nhà Lý

Tổ chức quân đội

Quân đội thời Lý gồm hai bộ phận: cấm quân và quân địa phương.

  • Cấm quân: là quân tuyển chọn từ những thanh niên khỏe mạnh trong cả nước, có nhiệm vụ bảo vệ vua và kinh thành.
  • Quân địa phương: Tuyển chọn trong số thanh niên trai tráng ở các làng xã đến tuổi thành đinh (18 tuổi), có nhiệm vụ canh phòng các lộ, phủ.

Nhà Lý thi hành chính sách "ngụ binh ư nông" (gửi binh ở nhà nông), cho quân sĩ luân phiên về cày ruộng và thanh niên đăng ký tên vào sổ nhưng vẫn ở nhà sản xuất, khi cần triều đình sẽ điều động[68]. Quân đội nhà Lý có quân bộ và quân thủy, kỉ luật nghiêm minh, được huấn luyện chu đáo; vũ khí trang bị cho quân đội gồm giáo mác, đao kiếm, cung nỏ, mắy bắn đá…

Chiến tranh với các nước lân cận

Đánh Tống ở Ung châu

Năm 1075, Vương An Thạch, Tể tướng nhà Tống, xúi vua Tống rằng nước Đại Việt bị quân Chiêm Thành đánh phá, quân còn sót lại không đầy vạn người, có thể dùng kế chiếm lấy được. (Có thuyết cho rằng, nhà Tống quyết định đánh Đại Việt để củng cố lại tinh thần của quân dân sau những thất bại trước quân Liêu-Hạ ở phía bắc)[69]. Vua Tống bèn dùng Thẩm Khởi và Lưu Di làm tri phủ Quế Châu ngầm dấy binh người Man động, đóng thuyền bè, tập thủy chiến, ngoài ra còn cấm các châu huyện không được mua bán với Đại Việt các mặt hàng chiến lược thời đó như sắt thép, trâu bò.

Vua nhà Lý biết tin, sai Lý Thường KiệtTông Đản đem hơn 100.000 binh đi đánh[70]; quân thủy và quân bộ đều tiến. Lý Thường Kiệt đánh các châu Khâm, Liêm; Tông Đản vây châu Ung. Đô giám Quảng Tây nhà Tống là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu. Lý Thường Kiệt đón đánh ở cửa ải Côn Lôn (nay là thành phố Nam Ninh, Khu tự trị Choang Quảng Tây) phá tan quân địch, chém Trương Thủ Tiết tại trận. Tri phủ Ung Châu là Tô Giám cố thủ không hàng. Quân Đại Việt đánh đến hơn 40 ngày, chồng bao đất trèo lên thành. Thành bị hạ. Tô Giám cho gia thuộc 36 người chết trước, chôn xác vào hố, rồi châm lửa tự đốt chết. Người trong thành không chịu hàng, quân Lý Thường Kiệt giết hết hơn 5 vạn người[70], cộng với số người chết ở các châu Khâm, Liêm thì đến hơn 100.000 người. Lý Thường Kiệt bắt sống người ba châu ấy đem về.

Chống Tống ở phòng tuyến sông Như Nguyệt

Bài chi tiết: Trận Như Nguyệt
Bản đồ Trận Như Nguyệt.

Năm 1076 tháng 3, nhà Tống dùng Tuyên phủ sứ Quảng Nam (Quảng Đông - Quảng Tây ngày nay) là Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, 10 vạn quân tinh nhuệ, 1 vạn ngựa chiến và 20 vạn dân phu, hợp với quân Chiêm Thành và quân Chân Lạp sang xâm chiếm nước Đại Việt. Quân nhà Tống tiến theo hai đường thủy, bộ vào Đại Việt. Đường thủy do Hòa Mâu chỉ huy; đường bộ do Quách Quỳ chỉ huy. Ở trên sông Vân Đồn (Quảng Ninh), Lý Kế Nguyên đã chặn đánh thủy binh nhà Tống, làm thất bại kế hoạch hội quân của họ. Lý Thường Kiệt đã lập phòng tuyến ở bờ nam sông Như Nguyệt hay còn gọi là sông Cầu hay sông Nguyệt Đức. Quân Tống đã nhiều lần cố gắng vượt sông nhưng đều thất bại. Quách Quỳ cho đóng quân ở bờ bắc sông Như Nguyệt và chuyển sang phòng ngự nhằm chờ thời cơ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân (Trương Hống và Trương Hát: hai vị tướng đánh giặc giỏi của Triệu Quang Phục) có tiếng đọc to bài thơ thần mà tác giả chính là Lý Thường Kiệt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cưTiệt nhiên định phận tại thiên thưNhư hà nghịch lỗ lai xâm phạm?Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!Tạm dịchSông núi nước Nam Đế Nam ởRành rành định phận ở sách trờiCớ sao lũ giặc sang xâm phạmChúng bay sẽ bị đánh tơi bời

Bài thơ này có tác dụng khích lệ tinh thần chiến đấu của quân Đại Việt, tạo ra lòng tin rằng họ đang được thần linh giúp đỡ, đồng thời làm hoang mang quân nhà Tống. Khi quân nhà Tống đã lâm vào thế yếu, Lý Thường Kiệt đã chủ động giảng hòa để quan hệ Tống-Việt sau đó có thể trở lại bình thường.

Khi rút quân, Quách Quỳ đã tranh thủ chiếm đoạt luôn châu Quảng Nguyên (Lạng SơnCao Bằng ngày nay). Sau này, Thái sư Lê Văn Thịnh đã lấy lại châu Quảng Nguyên, nơi có nhiều mỏ kim loại quý, bằng phương pháp hòa bình là ngoại giao và tặng voi cho vua Tống. Người Tống cho rằng vua Tống mắc sai lầm để "mất" châu Quảng Nguyên có nhiều mỏ vàng nên đặt ra câu:

Bởi tham voi Giao ChỉĐể mất vàng Quảng Nguyên

Chiến tranh với Chiêm Thành

Trong triều đại nhà Lý, tổng cộng có khoảng 10 lần (1020, 1043, 1044, 1069, 1075, 1104, 1132, 1167, 1216, 1218[2][15][71]) các vua hay các quan lại cao cấp như Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành,... đã đem quân đi đánh Chiêm Thành. Sau mỗi lần đánh, vua Chiêm Thành lại cầu hòa, cử người sang cống nhưng sau đó lại chống đối.

Sự kiện lớn nhất là vào năm 1069, Chiêm Thành đem quân ra cướp phá vùng Nghệ An - Hà Tĩnh. Vua Lý Thánh Tông thân chinh dẫn 10 vạn quân nam chinh vào tận kinh đô Chiêm Thành đánh bại và bắt được vua Chiêm đưa về Thăng Long, để được tha, vua Chiêm và triều đình Chiêm Thành đã cắt phần đất phía Bắc dâng cho Đại Việt là vùng đất Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay, sau sự kiện này biên giới phía nam của Đại Việt lần đầu tiên tiến đến sông Thạch Hãn (Quảng Trị).

Nhưng có sử gia cho rằng tới giai đoạn lịch sử này cuộc bình Chiêm chẳng phải riêng vì việc đoạn tuyệt giao hiếu, mà do Đại Việt bắt đầu thi hành chính sách đế quốc, dựa vào chỗ Chiêm có tinh thần bất khuất đối với Đại Việt và lại lén lút thần phục nhà Tống[72].

Chiến tranh với Chân Lạp

Nước Chân Lạp ở xa phía nam (dưới nước Chiêm Thành), nhưng cũng từng có chiến tranh với Đại Việt. Đại Việt sử ký toàn thư có chép sự kiện tháng Giêng, ngày Giáp Dần, năm Mậu Thân (tức 2 tháng 3 năm 1128), 2 vạn người Chân Lạp vào cướp bến Ba Đầu ở châu Nghệ An. Lý Thần Tông sai Nhập nội Thái phó Lý Công Bình đem quân đánh dẹp. Chưa đến 10 ngày sau (ngày Quý Hợi), quân Chân Lạp bị đánh tan. Tháng 8 năm đó, người Chân Lạp lại vào cướp hương Đỗ Gia ở châu Nghệ An, có đến hơn 700 chiếc thuyền. Vua sai Nguyễn Hà Viêm và Dương Ổ đem quân dẹp được.

Cuối năm đó, châu Nghệ An đệ tâu một phong quốc thư của nước Chân Lạp, xin sai người sang sứ. Tuy nhiên, Lý Thần Tông đã không trả lời.

Tháng 8 năm 1132, quân Chân LạpChiêm Thành vào cướp phá Nghệ An. Thần Tông sai quan Thái úy Dương Anh Nhị đánh thắng được quân hai nước. Sang năm 1134, hai nước phải đến tiến cống. Tháng 9 năm 1136, tướng Chân Lạp là Tô Phá Lăng lại mang quân vào cướp phá Nghệ An. Thần Tông sai quan Thái phó là Lý Công Bình đi đánh bại quân Chân Lạp.

Tháng 9 năm 1150, quân Chân Lạp lại đánh cướp châu Nghệ An, đến núi Vụ Thấp[73] gặp nắng nóng ẩm thấp, phần nhiều chết vì lam chướng nên tự tan vỡ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà_Lý http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvs... http://vietsciences.free.fr/vietnam/sudia/nhungcuo... http://www.avsnonline.net/library/ebooks/vn/lichsu... http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&... http://www.1000namthanglonghanoi.vn/index.php?act=... http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Cong-nghe/35399/l78... http://www.nguoihanoi.com.vn/modules.php?name=News...